Giải thích dưới cách nhìn hiện đại Thần_thoại_Hy_Lạp

Nguồn gốc của cách lý giải hiện đại về thần thoại Hy Lạp được xem bởi một số học giả như sự phản ứng kép ở cuối thế kỷ XVIII chống lại "thái độ truyền thống của sự hằn thù Thiên Chúa giáo", trong đó sự tái diễn giải Thiên Chúa giáo về thần thoại như một "lời nói dối" hay "chuyện hoang đường" vẫn duy trì[90]. Ở Đức, vào khoảng 1795, có một mối quan tâm gia tăng về Hómēros và thần thoại Hy Lạp. Ở Göttingen, Johann Matthias Gesner bắt đầu làm sống lại những nghiên cứu Hy Lạp, trong khi người kế tục ông, Christian Gottlob Heyne, làm việc cùng với Johann Joachim Winckelmann, và thiết lập những nền tảng cho nghiên cứu thần thoại ở Đức và các nước khác[91].

Các cách tiếp cận so sánh và phân tâm học

Max Müller được xem như một trong những người sáng lập thần thoại học so sánh. Trong cuốn Thần thoại học so sánh (1867) Müller phân tích sự tương tự "gây nhiễu" giữa các huyền thoại của các "dòng giống man di" với những thần thoại sớm của châu Âu.

Sự phát triển của thần thoại học so sánh trong thế kỷ XIX, cùng với những khám phá dân tộc học trong thế kỷ XX, đã thiết lập nên khoa học về thần thoại, hay thần thoại học. Kể từ thời Lãng mạn, tất cả những nghiên cứu về thần thoại đều mang tính so sánh. Wilhelm Mannhardt, James George Frazer, và Stith Thompson sử dụng cách tiếp cận so sánh để thu thập và phân loại các chủ đề văn hóa dân gian (folklore) và thần thoại[92]. Năm 1871 Edward Burnett Tylor xuất bản cuốn Primitive Culture (Văn hóa Nguyên thủy), trong đó ông áp dụng phương pháp so sánh và cố gắng giải thích nguồn gốc và sự tiến hóa của tôn giáo[93]. Cách Tylor áp dụng trong nghiên cứu về văn hoá vật chất, các nghi thức và huyền thoại của các nền văn hóa cách biệt hẳn nhau đã ảnh hưởng tới Carl JungJoseph Campbell. Max Müller áp dụng khoa học mới về thần thoại học so sánh vào nghiên cứu thần thoại, trong đó ông phát hiện những tàn dư đã biến dạng của tín ngưỡng tự nhiên của người Aryan. Bronisław Malinowski nhấn mạnh vào cách thức thần thoại thực hiện các chức năng xã hội thông thường. Claude Lévi-Strauss và những nhà cấu trúc luận khác so sánh những mô hình và những mối quan hệ hình thức trong thần thoại trên khắp thế giới[92].

Sigmund Freud đã giới thiệu một quan niệm sinh học và xuyên lịch sử (transhistorical) về con người và một quan điểm xem thần thoại như một cách biểu đạt những tư tưởng bị dồn nén. Cách diễn giải giấc mơ là nền tảng của cách diễn giải thần thoại Freud và quan niệm của Freud về việc nằm mơ thừa nhận tầm quan trọng của những mối quan hệ ngữ cảnh đối với sự diễn giải bất kì yếu tố riêng rẽ nào trong một giấc mơ. Đề xuất này tìm thấy một sự xích lại gần nhau quan trọng giữa các cách tiếp cận cấu trúc luận và phân tâm học đối với huyền thoại trong tư tưởng của Freud[94]. Carl Jung đã mở rộng cách tiếp cận tâm lý, xuyên lịch sử với lý thuyết về "vô thức tập thể" và các "nguyên mẫu" (archetype, tức các mô hình cổ xưa truyền lại), thường được mã hóa trong thần thoại, thứ nảy sinh từ nó[2]. Theo Jung, "các yếu tố cấu trúc hình thành nên huyền thoại cần phải xuất hiện trong tâm trí vô thức"[95]. So sánh phương pháp luận của Jung với lý thuyết của Joseph Campbell, Robert A. Segal kết luận rằng "để diễn giải một huyền thoại Campbell đơn giản nhận diện những nguyên mẫu trong nó. Một diễn giải về Odýsseia, chẳng hạn, sẽ chỉ ra đời sống Odysseus tuân theo một mô hình anh hùng. Jung, trái lại, xem sự xác định các nguyên mẫu chỉ đơn thuần là bước đầu tiên của sự diễn giải một thần thoại"[96]. Karl Kerényi, một trong những người sáng lập những nghiên cứu hiện đại về thần thoại Hy Lạp, đã từ bỏ quan niệm ban đầu của mình về thần thoại, để áp dụng các lý thuyết về nguyên mẫu của Jung cho thần thoại Hy Lạp[97].

Các lý thuyết về nguồn gốc

Có nhiều lý thuyết hiện đại về thần thoại Hy Lạp. Theo Lý thuyết Kinh sách (Scriptural Theory), mọi huyền thoại đều bắt nguồn từ các kinh sách tôn giáo, mặc dù các sự kiện thực đã bị che đậy và biến đổi[98]. Theo Lý thuyết Lịch sử (Historical Theory), tất cả các nhân vật được đề cập trong thần thoại đều là những người có thực, và các huyền thoại liên quan tới họ đơn thuần là những thêm thắt của những thời đại sau. Do đó chẳng hạn câu chuyện về Aeolus được cho là nảy sinh từ sự kiện rằng Aeolus từng là người cai trị một vài hòn đảo nào đó trên biển Etruria[99]. Lý thuyết Ngụ ngôn (Allegorical Theory) đề xuất rằng những thần thoại cổ đại có tính ngụ ngôn và biểu tượng; trong khi Lý thuyết Vật lý tán thành ý tưởng cho rằng các nguyên tố khí, lửa hay nước khởi nguồn la những đối tượng của sự sùng bái tôn giáo, do đó các vị thần quan trọng là những hình ảnh nhân cách hóa của các lực lượng tự nhiên này[100]. Max Müller cố gắng để hiểu một hình thức tôn giáo Ấn-Âu bằng cách lần dấu vết trở về biểu hiện Aryan "ban đầu" của nó. Năm 1891, ông tuyên bố rằng " khám phá quan trọng nhất đã được thực hiện trong thế kỷ XIX liên quan tới lịch sử cổ đại của loài người... là phương trình đơn giản này: tiếng Phạn Dyaus Pita = tiếng Hy Lạp Zeus = tiếng Latin Jupiter = tiếng Na Uy cổ Týr"[101]. Trong những trường hợp khác, sự song song gần gũi trong tính cách và chức năng gợi ý một di sản chung, tuy nhiên sự thiếu những chứng cố về ngôn ngữ khiến cho khó chúng minh, như khi so sánh Uranus và Varuna (tiếng Phạn) hay MoiraiNorn[102].

Khảo cổ học và thần thoại học, mặt khác, đã chứng tỏ rằng những người Hy Lạp cổ được gây cảm hứng bởi một số nền văn minh Tiểu Á và Cận Đông. Adonis dường như là bản sao Hy Lạp - rõ ràng trong tín ngưỡng hơn trong thần thoại - của một vị "thần hấp hối" của Cận Đông. Cybele bắt nguồn từ văn hóa Anatolia trong khi rất nhiều tranh tượng về Aphrodite nảy sinh từ các nữ thần Semit. Cũng có sự song song khả dĩ giữa các thế hệ thần sớm nhất (Chaos và con của nó) với Tiamat trong Enûma Eliš (huyền thoại Babylon)[103]. Theo Meyer Reinhold, "các quan niệm thần phả Cận Đông, liên quan tới sự kế tục các thần thông qua bạo lực và các mâu thuẫn quyền lực giữa các thế hệ, đã tìm thấy con đường của chúng... đi vào thần thoại Hy Lạp"[104]. Thêm vào những nguồn gốc Cận Đông và Ấn-Âu, một số học giả suy đoán những món nợ của thần thoại Hy Lạp với các xã hội tiền Hy Lạp: Crete, Mycenae, Pylos, ThebesOrchomenus[105]. Các nhà sử học tôn giáo hứng thú với một số cấu trúc dường như cổ xưa của thần thoại liên hệ với Crete (thần trong hình dáng bò, Zeus và Europa, Pasiphaë ăn nằm với bò và sinh ra Minotaur,...). Giáo sư Martin P. Nilsson kết luận rằng tất cả những huyền thoại Hy Lạp cổ điển nổi tiếng đều gắn bó với các trung tâm văn hóa Mycenae và bám rễ vào các thời tiền sử[106]. Tuy nhiên, theo Burkert, tranh tượng của Thời kì Cung điện Minos hầu như không cung cấp sự khẳng định nào cho các lý thuyết này[107].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thần_thoại_Hy_Lạp http://www.britannica.com/EBchecked/topic/244670 http://books.google.com/?id=EpbZLRPGgBsC&printsec=... http://books.google.com/?id=OFO_NQJh8L0C&printsec=... http://books.google.com/?id=TQyRX6WmMUMC&printsec=... http://books.google.com/books?id=OFO_NQJh8L0C&pg=P... http://www.greekmythology.com/ http://www.mythweb.com/ http://www.sacred-texts.com/cla/argo/argo00.htm http://www.sacred-texts.com/cla/gpr/gpr07.htm http://www.sacred-texts.com/cla/gpr/gpr07.htm#fr_5...